Skip to main contentAccess keys helpA-Z index
BBCVietnamese.com
chinese
russian
french
Other Languages
 
17 Tháng 6 2005 - Cập nhật 15h13 GMT
 
Gửi trang này cho bè bạn Bản để in ra
Ngọn nguồn của những Nghị Quyết Cờ Vàng
 

 
 
(ảnh Bùi Văn Phú)
Cờ Vàng trong sân trường ở California
Trong một tháng vừa qua, bài Cờ Ðỏ, Cờ Vàng trên mạng BBC Việt ngữ đã nhận được nhiều ý kiến, suy nghĩ của bạn đọc từ khắp nơi đóng góp.

Bài viết là những tìm hiểu và ghi nhận về hai lá cờ chính thức của hai miền Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử với nhiều đau thương cho dân tộc.

Ngày nay, với những trải nghiệm và tuỳ môi trường đang sống, bạn đọc có nhiều suy nghĩ khác nhau. Những phát biểu cho thấy cờ đỏ hay cờ vàng đều còn để lại những bức xúc và ký ức khó phai mờ trong lòng của nhiều người đã từng đứng dưới bóng cờ đó.

Hy vọng bài tiếp theo đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn ngọn nguồn về những nghị quyết cờ vàng ở Hoa Kỳ.

Ðầu năm 1999, một thương nhân người Việt là Trần Văn Trường ở thành phố Westminster, miền nam California, thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ, đã đem treo hình ông Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng trong tiệm. Sự việc này đưa đến những vụ biểu tình phản đối trước cửa tiệm và những tranh cãi trước tòa án Hoa Kỳ về quyền tự do phát biểu của người chủ tiệm.

Ra tòa, vị chánh án đã phán quyết rằng việc trưng những biểu tượng cộng sản là quyền tự do phát biểu quan điểm của một công dân và được Tu Chính Án số 1 trong Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ.

Nhưng hiến pháp cũng bảo vệ quyền biểu tình của người dân.

Vì thế đã có biểu tình trước cửa tiệm trong 53 ngày đêm liền, có lúc số người tham dự lên đến hai chục nghìn.

Những cuộc biểu tình chỉ chấm dứt sau khi hình ông Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng trong tiệm được gỡ xuống. (1)

Từ vụ việc trên, đến cuộc triển lãm hình ông Hồ Chí Minh của C. David Thomas tại một phòng tranh tư và hội thảo về ông Hồ tại Oakland, cộng thêm đôi lần cộng đồng tổ chức lễ lạt mà không xin được phép chính quyền địa phương cho treo cờ vàng, nên có nhiều người Việt khi thấy biểu tượng cộng sản xuất hiện thì lên tiếng phản đối. Các cơ quan chức năng thường lắng nghe ý kiến rồi quyết định bỏ hình cờ đỏ đi, như trong trường hợp tờ quảng cáo dịch vụ bưu điện Hoa Kỳ, trong máy bán vé số, tại lễ tốt nghiệp, hay trên những phông vẽ treo bên đường quảng cáo cho nét đa chủng của một thành phố.

Trong kỳ bầu cử tháng 11 năm 2002, với sự đắc cử của một số ứng viên gốc Việt tại quận Cam và vùng San Jose, người Việt đã dùng sức mạnh chính trị và cơ sở pháp lý để bảo vệ lá cờ qua Chiến Dịch Cờ Vàng.

Từ thành phố Westminster, do sự đề xuất của tân nghị viên Andy Quách, nghị quyết vinh danh cờ vàng đầu tiên được thông qua vào tháng 2 năm 2003, rồi dần lan ra một số tiểu bang như Texas, Louisiana, Florida, Georgia, Colorado và khoảng 100 thành phố. Mới đây nhất, sau thành phố San Jose, Hội Ðồng Giám Sát Quận Cam cũng đã thông qua nghị quyết cờ vàng vào ngày 7 tháng 6.

Ở bang California nghị quyết tuy có được trình quốc hội, nhưng hai năm qua đã không được đưa ra ủy ban thảo luận. Nhiều vị dân cử e ngại ảnh hưởng của nghị quyết đối với giao thương hai nước vì bang này có nhiều thương vụ với Việt Nam.

Cho đến mấy tháng gần đây thì tình hình đã đổi khác. Với dân biểu gốc Việt đầu tiên trong quốc hội California là luật sư Trần Thái Văn, đầu năm nay nghị quyết đã được đem ra thảo luận, nghe điều trần với những tiếng nói ủng hộ: nghị viên Janet Nguyễn, ủy viên giáo dục Madison Nguyễn, ông Lê Công Nghiệp của Hiệp Hội Người Việt San Diego; và những tiếng nói phản đối: các giáo sư Vũ-Ðức Vượng (Ðại Học Berkeley), Tạ Minh Hoa (San Francisco City College), ông Chung Hoàng Chương thuộc Ủy Ban Kết Nghĩa San Francisco-HoChiMinh City, và bà Phùng Tuệ Châu.

Sau đó nghị quyết được sửa đổi, có thêm khoản nói về quan hệ Mỹ-Việt và được thượng viện thông qua vào ngày 2 tháng 6 với tỉ số 22 ủng hộ, 0 phản đối.

Nguyên văn Nghị Quyết về Cờ Việt Nam Cộng Hoà Cũ của bang California:

"Xét rằng, theo thống kê dân số Hoa Kỳ năm 2000 California là nơi cư ngụ của 430.964 di dân người Việt;

Xét rằng, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã đóng góp tích cực làm giàu cho lịch sử, văn hoá, giáo dục và kinh tế của California;

Xét rằng, người Mỹ gốc Việt luôn cảnh giác chống độc tài dưới mọi hình thức, tích cực hỗ trợ nhân quyền cho tất cả mọi dân tộc, và tán dương những lý tưởng dân chủ, công lý và lòng dung thứ, mà dựa trên những nền tảng đó quốc gia của ta đã thành hình;

Xét rằng, gần 250.000 chiến binh Việt Nam Cộng Hoà và 58.000 nam nữ chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh cho tự do tại Việt Nam;

Xét rằng, lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà cũ, với ba sọc đỏ trên nền vàng, có từ năm 1948, đã và sẽ tiếp tục là biểu tượng của sự kiên cường, tự do và dân chủ của nhiều người Mỹ gốc Việt tại California; và

Xét rằng, lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà cũ đã được công nhận bởi ít nhất 80 thành phố và 8 tiểu bang trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ như một biểu tượng quan trọng của lịch sử người Mỹ gốc Việt;

Xét rằng, việc thừa nhận lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà cũ là một biểu tượng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại bang này sẽ không làm cản trở hay can thiệp vào những quan hệ chính thức đang có giữa Hoa Kỳ và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;

Do đó, Thượng Viện California, với Hạ Viện cùng tán đồng, quyết nghị rằng Lập Pháp thúc đẩy tiểu bang chính thức công nhận cờ Việt Nam Cộng Hoà cũ, với ba sọc đỏ trên nền vàng, là biểu tượng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại tiểu bang, và cho phép treo cờ này tại công ốc tiểu bang, cũng như trong những buổi lễ do tiểu bang kiểm soát hay bảo trợ, hay trong những sinh hoạt tổ chức bởi cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại tiểu bang, tùy thuộc vào những điều kiện phép tắc của địa phương nơi tổ chức; và

Cũng quyết nghị rằng Thư Ký của Thượng Viện chuyển bản sao của nghị quyết tới tác giả để được chuyển đến những cơ quan liên hệ."

Bản nghị quyết giờ đã được chuyển qua hạ viện để thảo luận và biểu quyết trong những ngày tới.

Chính quyền Việt Nam đã tìm cách ngăn chặn nghị quyết bằng những kháng thư ngoại giao và gởi những đoàn quốc hội đến thủ phủ Sacramento vận động, gần đây nhất là vào tháng Tư do đại biểu Phùng Hữu Phú hướng dẫn.

Trong hai năm qua, những nỗ lực từ phía Việt Nam, cùng sự không tán đồng của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, đã ít khi đem lại kết quả cho Hà Nội.

Ðó là nguyên tắc tản quyền trong tổ chức công quyền và nếp sinh hoạt dân chủ ở Hoa Kỳ. Vì quyền lợi và nguyện vọng của cư dân, địa phương vẫn có những chính sách không nhất thiết phải đồng ý với liên bang.

(1) Vụ việc này được ghi lại đầy đủ trong phim tài liệu dài 1 giờ, có tên Saigon, USA do Lindsey Jang và Robert C. Winn thực hiện năm 2003 và đã được chiếu trên kênh truyền hình PBS ở Hoa Kỳ.

.........................................................................................

Trả lời của ông Bùi Văn Phú gửi hai độc giả Anh Vũ và Tường Thăng
Bạn đọc Anh Vũ, Hà Nội có viết rằng nghị quyết cờ vàng của bang California đã được sửa đổi, nói đó là "một biểu tượng đối với nhiều người Mỹ gốc Việt chứ đâu có nói là biểu tượng của “cộng đồng người Mỹ gốc Việt."

Có lẽ bạn Anh Vũ đã nhận được thông tin không chính xác. Nội dung Nghị Quyết Cờ Vàng SCR-17 mới được Thượng Viện California thông qua hôm 2 tháng Sáu, đoạn chính có nguyên văn tiếng Anh như sau:

Resolved by the Senate of the State of California, the Assembly thereof concurring, That the Legislature urges that the state formally recognize the flag of the former Republic of Vietnam, displaying three red stripes on a field of gold, as a symbol of the Vietnamese-American community in this state

[Thượng Viện California, với Hạ Viện cùng tán đồng, quyết nghị rằng Lập Pháp thúc đẩy tiểu bang chính thức công nhận cờ Việt Nam Cộng Hoà cũ, với ba sọc đỏ trên nền vàng, là biểu tượng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại tiểu bang]

Muốn biết thêm thông tin về tiến trình điều trần, những lần sửa đổi và văn bản sau cùng của nghị quyết này, bạn đọc có thể tìm thấy trên mạng http://info.sen.ca.gov. Bấm vào Legislation, rồi đánh tìm dự luật (Bill number) số SCR 17.

Còn bạn Tường Thăng viết là bang Virginia đã thông qua nghị quyết cờ vàng đầu tiên thì không đúng. Lập pháp bang Virginia là nơi dự luật số HB 2829, về cờ vàng, được đệ trình đầu tiên ở Hoa Kỳ do sự đề xuất của dân biểu tiểu bang Robert D. Hull, thuộc đảng dân chủ.

Dự luật này được tiểu ban quy chế chấp thuận 8-6, rồi được Hạ viện Virginia thông qua với tỉ số 68 ủng hộ, 27 phản đối vào cuối tháng 1 năm 2003. Nhưng nghị quyết này đã không được Thượng Viện Virginia thông qua, vì thế không thành luật.

Thành phố Westminster là nơi nghị quyết cờ vàng đầu tiên được thông qua ở Hoa Kỳ, vào ngày 19 tháng 2 năm 2003.

Tiểu bang đầu tiên có luật về cờ vàng là Louisiana. Sau khi được thượng viện và hạ viện biểu quyết chấp thuận, thống đốc bang này đã ký ban hành luật SB 839 ngày 12 tháng 7 năm 2003.

Vivien, Sydney
Lá cờ vàng ba sọc đỏ chỉ còn là biểu tượng của người Việt tại hải ngoại vì lá cờ này đã theo bước chân của những người Việt đến định cư tại Mỹ từ 30 năm trước. Đa số những người Việt ấy đều mang quốc tịch Mỹ và đương nhiên là lá cờ Mỹ mới chính là quốc kỳ thật sự của họ. Đối với họ thì cờ đỏ sao vàng quốc kỳ của quốc gia Việt nam không có liên quan gì đến họ vì như nói ở trên họ là công dân Mỹ, chứ không phải là công dân Việt nam.

Tôi sống ở Úc châu, tôi không hề thấy báo chí hay người dân Úc có phàn nàn hay lên tiếng gì khi lá cờ của người thổ dân bản địa được treo song song với quốc kỳ Úc tại toà thị sảnh thành phố Sydney, hoặc là những nơi có đông người thổ dân Úc sinh sống.

Ngay cả khi thắng đường đua 400m tại thế vận hội Sydney thì cô Cathy vẫn choàng trên người cô cờ thổ dân Úc đấy, nhưng cũng đâu có sao, vì lá cờ đó cũng chỉ là biểu tượng cho cộng đồng thổ dân của cô mà thôi.

Nếu các bạn ở Việt nam hiểu được những gì tôi trình bày ở trên thì các bạn sẽ không thấy là có gì sai khi mà người Việt hải ngoại chọn lá cờ vàng 3 sọc đỏ là biểu tượng của họ và nên thông cảm cho họ. Chỉ cần vài chục năm nữa thì lá cờ biểu tượng ấy sẽ không còn nửa khi mà con cháu của các vị Việt kiều ấy chỉ công nhận một lá quốc kỳ duy nhất chính là quốc kỳ Mỹ hay Úc mà thôi.

Giang
Tôi không đồng ý với bạn Nguyễn Duy, Hà Nội về nếu có một lúc bỏ phiếu để chọn lại quốc kỳ Việt Nam sẽ chọng cờ sao vàng. Bạn cũng nhớ lúc trước trong ngày lễ chào cờ mà dân không treo cờ CS thì bị công an tới thăm, và tuổi trẻ lớn lên không biết rỏ lịch sự của cờ vàng 3 sọc, mà chỉ biết cờ sao vàng thì họ sẽ có cảm tình với cờ đó thôi.

Minh Hà, Thái Nguyên
Tôi la công dân lớn lên trong thời bình. Cũng như những người dân ở các quốc gia khác nhau, khi nói về tổ quốc mình thì họ sẽ nghĩ tới lá cờ, và khi thấy lá cờ họ sẽ nghĩ về tổ quốc. Vậy thì còn gì phải bàn cãi nữa nhỉ, khi nhắc đến Việt Nam thì ai chả nghĩ tới cờ đỏ sao vàng.

Nếu quý vị đưa 2 lá cờ ra, một cờ ba màu thì người ta sẽ hỏi bạn là cờ gì, còn nếu bạn đưa cờ đỏ sao vàng thì người ta sẽ bảo là cờ Việt Nam.

Đình Vũ, Montreal
Tôi là người sinh ra ở miền Nam, có cái may mắn là thấy xã hội miền Nam như thế nào trước 4/75, tôi đã sống, học và làm việc ở VN sau 1975 khoảng 15 năm. Như vậy tôi nghĩ là tôi có đủ kinh nghiệm và suy nghĩ để "bỏ phiếu" cờ vàng hay cờ đỏ.

Trước 1975, với luật pháp VNCH, người bất đồng quan điểm với chính phủ đi biểu tình được. Sau 1975 với màu cờ đỏ, cái quyền thể hiện bất đồng quan điểm với chính phủ không còn nữa. Ở chế độ XHCN, an ninh tư tưởng văn hoá đã khống chế để người dân khó có thể tìm hiểu thông tin một cách tự do, do đó người ta phải chọn lựa khi chưa được cung cấp đầy đủ thông tin.

Tôi chọn "cờ vàng" vì tôi đã hiểu "cờ đỏ" và sự lựa họn nầy của tôi là tự ý, không có thế lực nào ép buộc tôi bằng cách này hay cách khác ở đây cả. Nhắc đến đây tôi mới nhớ là tôi đã bị ép buộc đi làm "nghĩa vụ quốc tế ở Kampuchea" như thế nào.

Về nghị quyết cờ vàng thì ai cũng có quyền ủng hộ hay chống. Dân trong vùng bỏ phiếu bầu dân biểu, dân biểu bỏ phiếu theo nguyện vọng của cử tri của họ. Tôi nghì đây là việc bình thuờng. Nếu 1 người có quyền treo cờ đỏ thì người khác có quyền biểu tình phản đối và .... ngược lai. Nhưng điều nầy sẽ không có được ở VN dù cho 1 lãnh đạo của VN đã nói "VN dân chủ gấp triệu lần!" .

Trần, Hà Nội
Các bạn ở nước ngoài hình như vẫn còn hay cố chấp. Đất nước đã thống nhất 30 năm rồi mọi người dân ở trong nước đều đang cố gắng xây dựng lại quê hương. Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của dân tộc, niềm tự hào của chúng ta trên trường Quốc tế.

Cho dù không thích nhưng tôi thấy cứ giữ mãi những kỷ niệm cũ chỉ làm tăng sự chia rẽ trong cộng đồng. Thay vì tranh luận xem màu cờ nào tôi thiết nghĩ các bạn ở hải ngoại nên cố gắng về nước một lần để chứng kiến sự thay đổi. Nên vì một nước Việt Nam một Dân Tộc Việt. Một thể chế chính trị nào cũng có mặt mạnh mặt yếu nên tin và bảo vệ cái mình đang có chứ ôn mãi giấc mộng cũ làm gì.

Minh Thuyết, Hải Phòng
Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào làm sao để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh. Đừng quay về quá khứ làm gì. Tôi thấy các bạn ở Mỹ có vẻ rất có thành kiến, tôi nghĩ chúng ta hãy về nước xem đất nước đổi mới, các bạn sẽ thay đổi ý nghĩ của mình.

Quang Trương, TP. HCM
Cho dù thế nào đi nữa, quốc kỳ quốc ca là những biểu trưng của một đất nước. Vì vậy việc chọn ý nghĩa của chúng cũng rất quan trọng. Cờ đỏ sao vàng thực ra là mô phỏng theo cờ đỏ búa liềm của Liên Xô, lấy màu đỏ làm chủ đạo như cờ của Trung Quốc và một số nước thuộc khối XHCN trước đây.

Chính vì vậy, người Phương Tây đã có thời sợ sự bành trướng của cái gọi là cờ đỏ. Thật ra, cờ đỏ sao vàng không phải là máu đỏ da vàng như ta thường nghe ở trường.

Còn cờ vàng ba sọc thì màu vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng, ba sọc tượng trưng cho tam tài thiên địa nhân và còn có ý nghĩa trong bát quái, triết học Đông Á.

Vinh Hạnh
Đọc qua tất cả các ý kiến của quý vị, tôi đề nghị chúng ta hòa đồng giữa vờ vàng và cờ đỏ thành cờ da cam, ở giữa là một ngôi sao trắng. Nếu được vậy chắc chắn dân VN sẽ có một tương lai vui sống trong hoà hợp và thanh thản, không còn khích bác VNCS hay VNCH nữa.

Long, Hà Nội
Ông Tony ơi, ông bảo cờ ba sọc là thiêng liêng nhất, nhưng chỉ nhất đối với ông và những người hằn học thù dai như ông mà thôi. Ông đi nghiên cứu ở đâu mà bảo chỉ có một số người yêu cờ đỏ sao vàng?

CGO
Cờ vàng ba sọc là biểu tượng của một nửa VN tự do dân chủ và cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của những gì ngược lại. Sau '75, những người Việt tị nạn CS bỏ nước ra đi ôm theo lá cờ vàng ba sọc của mình thì hôm nay họ cũng sẽ xem lá cờ đó là biểu tượng của những gì họ tin tưởng vào, chứ đâu thể nào kêu họ xem lá cờ mà họ dị ứng để coi trọng được chứ.

Ở xa quê hương, lá cờ vàng ba sọc thay mặt cho cộng đồng người Việt tị nạn CS, đơn giản vậy thôi. Không có gì mà phải thắc mắc hay phải chống đối cả.

Có gì mà phải tìm biểu tượng khác như anh Nguyễn Duy, HN vậy? Tôi thấy nhiều vị trong này yêu nước đến như cuồng tín. Đụng đến ông Hồ hay đảng CS thì cứ nhảy lên vậy.

Nghĩa, TP. HCM
Đã 30 năm trôi qua nhưng người Việt ở Hải ngoại vẫn luôn níu kéo lại quá khứ. Để làm gì vậy, một khi quý vị đã bị thấm tư tưởng “tự do, dân chủ” và coi trọng nó còn hơn là tinh thần dân tộc. Trong quá khứ, vì tự do, quý vị đã bỏ xứ ra đi. Ở hiện tại, quý vị chối bỏ sự vươn lên của đất nước. Vì cái gì? “Tự do – dân chủ”.

Với lý tưởng sống gồm 4 chữ đó, thiết nghĩ, chẳng bao lâu sau – cùng lắm một, hai thế hệ nữa –phần thể xác còn lại cũng sẽ biến chuyển thành người bản xứ. Tóm lại, quý vị nên để giành quỹ thời gian ít ỏi còn lại để giáo dục con cháu, để bảo tồn, phát triển văn hóa Việt cho thế hệ mai sau còn hơn là đấu tranh để treo cho được lá cờ vàng. Treo là chuyện dễ, nhưng giữ nó đừng bị biến màu thành cờ Mỹ mới là chuyện khó lắm thay.

Nguyên Hương, Hà Nội
Tôi tán thành với quan điểm của bạn Nguyễn Duy, Hà nội. Chắc chắn rằng số lượng người bỏ phiếu cho cờ đỏ sao vàng sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với con số bỏ phiếu cho cờ vàng ba sọc. Thế giới biết đến Việt Nam với Cờ Đỏ Sao Vàng. Nói đến Việt Nam và biểu tượng của nó là người ta nghĩ ngay đến cờ Đỏ Sao Vàng.

Xét về quyền tự do thể hiện sự yêu thích, thì cờ vàng ba sọc đó có thể được coi là băng rôn của làng, có thể đem ra sử dụng trong những lễ hội của làng. Nhưng trên hết thì vẫn phải là lá cờ Tổ Quốc - Cờ Đỏ Sao Vàng.

Trần Minh, Ba Lan
Xin có một số ý kiến như sau: 1.Lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ biểu trưng cho tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt Nam ta chống lại ách ngoại xâm và đô hộ nước ngoài.Lá cờ đã hiệu triệu toàn dân ta đứng nên đánh đổ thực dân Pháp giành độc lập cho tổ quốc.Đánh bại bọn can thiệp Mỹ và bọn bù nhìn tay sai để thống nhất đất nước.

2.Lá cờ đỏ sao vàng do quốc hội việt nam dân chủ cộng hòa lựa chọn,một quốc hội của nhiều đảng phái,nó đại diện cho nguyện vọng của toàn bộ dân tộc Việt Nam.

3.Nếu bây giờ đưa ra một cuộc trưng cầu ý kiến cho toàn dân Việt thì 99% sẽ lựa chọn Cờ Đỏ Sao Vàng. Bản thân tôi nếu khi có một đảng khác cầm quyền ,nếu được hỏi ý kiến thì tôi vẫn chọn cờ đỏ sao vàng.

Văn Thanh Hòa, Pasadena, Hoa Kỳ
Các bạn đang sống trong cũng như ngoài nước hãy thực sự đoàn kết vì tình tự dân tộc hơn là phải tranh cãi nhau vì một lá cờ. Nói như thế không phải tôi không coi trọng lá cờ, vì Quốc Kỳ là biểu tượng sinh khí hùng hồn của cả một dân tộc. Chúng ta hãy bình tĩnh và sáng suốt nhận định phải làm thế nào để chọn được một lá cờ mà chúng ta có thể hãnh diện và tự hào là công dân VIỆTNAM đứng dưới bóng cờ đó. Đó là điều quan trọng mà mọi người dân nên ý thức, và sáng suốt phải làm thế nào để chọn được một Quốc Kỳ hòa hợp với đại chúng mà không làm sứt mẻ tình tực dân tộc.

Thanh, Seattle
Xin các ông hãy đến dinh thự của vua Bảo Đại, tại Đà Lạt để hiểu rõ "lá cờ vàng ba sọc đỏ" là biểu tượng của nước Việt Nam tước khi đảng cộng sản VN giành chính quyền, để rồi đưa lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của những người cộng sản đặt lên cho miền bắc VN.

Anh Vũ, Hà Nội
Tôi xin đính chính thông tin mà ông Bùi Văn Phú cung cấp. Dự thảo nghị quyết này đã được sửa đổi lại, chỉ còn nói lá cờ 3 sọc chỉ là "một biểu tượng đối với nhiều người Mỹ gốc Việt", chứ đâu có nói là biểu tượng của "cộng đồng người Mỹ gốc Việt".

Nguyễn Duy, Hà Nội
Theo tôi, một lá cờ là thực sự quan trọng đối với một dân tộc, nó có ý nghĩa giống như ngôi sao Bắc đẩu đối với những người đi biển thời xưa vậy. Sự thật là lá cờ đỏ sao vàng đã đem lại nhiều vinh quang hơn cho người Việt Nam hơn so với lá cờ vàng ba sọc. Nếu có một lúc nào đó tất cả chúng ta phải bỏ phiếu để chọn lại quốc kỳ Việt Nam, tôi sẽ chọn lá cờ đỏ sao vàng.

Tôi cũng tin rằng phần lớn người Việt Nam và Việt Kiều cũng sẽ chọn giống tôi. Tôi cũng xin mạo muội khuyên những người thích lá cờ vàng ba sọc nên tìm một biểu tượng khác làm đại diện.

Thuận, Hà Nội
Tôi thấy rằng không có lý do gì để cản trở người dân Việt tại Mỹ ủng hộ lá cờ vàng của họ. Mỗi người đều có quyền tự do của họ. Nhà nước Việt Nam không nên ép họ quá. Trước đây cũng vì bị ép buộc mà họ đã phải bỏ quê hương ra đi.

Tường Thăng
Trong bài viết của tác giả Bùi Văn Phú có một chi tiết sai. Nghị quyết Cờ Vàng đầu tiên được thông qua bên tiểu bang Virginia. Sau đó các ông Andy Quách & Trần Thái Văn sao y bản chánh và về làm tại Quận Cam.

Minh Nam, Hà Nội
Bài của ông Phú giúp tôi hiểu thêm nền dân chủ ở Hoa Kỳ. Tôi tin rằng VN sẽ tiến dần tới dân chủ và pháp quyền thật sự. Cưỡng lại hay cố ý làm chậm tiến trình là tự phủ định mình.

 
 
Tên
Họ*
Thành phố
Nước
Điện thư
Điện thoại*
* không bắt buộc
Ý kiến
 
  
Đài BBC có thể biên tập lại ý kiến của quí vị và không bảo đảm tất cả thư đều được đăng.
 
CÁC BÀI LIÊN QUAN
 
 
TIN MỚI NHẤT
 
 
Gửi trang này cho bè bạn Bản để in ra
 
   
 
BBC Copyright Logo ^^ Trở lại đầu
 
  Trang chủ| Thế giới | Việt Nam | Diễn đàn | Bóng đá |Văn hóa | Trang ảnh |
Chuyên đề| Learning English
 
  BBC News >> | BBC Sport >> | BBC Weather >> | BBC World Service >> | BBC Languages >>
 
  Ban Việt ngữ | Liên lạc | Giúp đỡ | Nguyên tắc thông tin cá nhân