Mỹ chính thức dán nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam

Vietnam, currency

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chính quyền Trump đã dán nhãn thao túng tiền tệ lên Việt Nam và Thụy Sĩ hôm 16/12. Một động thái có thể làm phức tạp thêm tình hình cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo Reuters.

Việc bị dán nhãn thao túng tiền tệ sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ hạn chế quyền tiếp cận các hợp đồng mua sắm chính phủ và nguồn tài chính cho phát triển, theo luật Mỹ.

Việt Nam cũng có thể bị Mỹ đánh thuế lên một số hàng hóa xuất khẩu do cố tình hạ giá tiền đồng - kết quả của một cuộc điều tra riêng của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ được thúc đẩy từ báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.

Phòng Thương mại Mỹ hôm 16/12 kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không áp thuế lên Việt Nam do cáo buộc định giá thấp tiền đồng, đồng thời cho rằng Việt Nam không đáp ứng ba tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để dán nhãn một nước là thao túng tiền tệ, theo Reuters.

Trong một cuộc phỏng vấn, lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ nói rằng bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm áp thuế lên Việt Nam trước phiên điều trần cuối tháng 12 sẽ bỏ qua các thủ tục đã được thiết lập và "gửi một thông điệp xấu đến Việt Nam", đồng thời sẽ gây tổn hại mối quan hệ song phương.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại Trump có thể áp thuế lên Việt Nam trước phiên điều trần vào cuối tháng 12, nhưng một nguồn tin của Reuters đánh giá rằng việc này có vẻ khó xảy ra.

Chính phủ Việt Nam phản hồi gì?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để đảm bảo một mối quan hệ thương mại "hài hòa và công bằng", và rằng Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ.

"Chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong nhiều năm đã được điều hành theo hướng kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng," Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố trong một văn bản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời giải thích rằng việc Việt Nam mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua là nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Bộ Tài chính Mỹ nói gì?

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin (ngoài cùng, trái)

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin (ngoài cùng, trái)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Mnuchin cho biết trong một tuyên bố rằng Bộ này "đã thực hiện một bước quyết liệt ngày hôm nay để bảo vệ tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ."

Báo cáo tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Những nước này bị Mỹ đánh giá là có thể đã cố tình phá giá đồng tiền của nước mình so với đồng đôla.

Đại dịch COVID-19 đã làm lệch dòng chảy thương mại và làm gia tăng thâm hụt của Hoa Kỳ với các đối tác thương mại, một nguyên nhân gây khó chịu cho Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump, người đã nhậm chức cách đây 4 năm một phần nhờ lời hứa thu hẹp khoảng cách thương mại của Hoa Kỳ.

Việc dãn nhán thao túng tiền tệ cho các nước này được một số nhà kinh tế nhìn nhận là sẽ gia tăng áp lực Biden trước khi ông tiếp quản chính quyền Mỹ.

Trong khi đó, một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết nhóm chuyển giao quyền lực của Biden không được thông báo về việc này.

Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen có thể thay đổi những phát hiện trong báo cáo tiền tệ đầu tiên của bà, sẽ có hiệu lực vào tháng Tư.

Người phát ngôn của nhóm Biden đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Nhóm của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã chỉ trích các động thái khác của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin, gồm việc chấm dứt một số chương trình cho vay trong đại dịch của Cục Dự trữ Liên bang.

Trung Quốc, cũng bị ông Mnuchin dán nhãn thao túng tiền tệ vào tháng 8/2019 khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên đến đỉnh điểm, nhưng đã được 'trắng án' vào tháng 1/2020, hai ngày trước khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ký kết một thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1".

Lợi thế thương mại

Để bị dán nhãn thao túng tiền tệ, các quốc gia ít nhất phải vi phạm ba tiêu chí: Có thặng dư thương mại song phương hơn 20 tỷ đôla với Hoa Kỳ; can thiệp ngoại hối vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội; thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP.

Việt Nam và Thụy Sĩ vượt xa các tiêu chí này, với mức can thiệp ngoại hối lần lượt là 5% và 14% GDP.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Việt Nam can thiệp ngoại hối một phần bằng cách hạ giá tiền đồng là nhằm đạt được lợi thế thương mại, trong khi Thụy Sĩ là nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả.

Mark Sobel, một cựu quan chức của Kho bạc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói việc gắn mác thao túng tiền tệ là cách giải thích "cơ học" về các ngưỡng mà bỏ qua tính phức tạp và các tình tiết giảm nhẹ, theo Reuters.

Chúng bao gồm dòng vốn đầu tư trú ẩn an toàn bằng tiền tệ của Thụy Sĩ do đại dịch và đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong năm 2019 do các công ty tránh thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

IMF đã dự báo rằng thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 2% GDP vào năm 2020.

Ông Sobel nói rằng Mỹ, trong khi đó, đang bỏ sót một số trường hợp hiển nhiên hơn về việc có các hoạt động tiền tệ gây hại, như Đài Loan và Thái Lan, những nước vừa suýt soát thóat ngưỡng bị coi là can thiệp tiền tệ, thực tế đã 'can thiệp mạnh trong nhiều năm'.